Vốn là lời bài hát quen của Việt Anh, hình như nhạc sĩ viết về Đà Lạt và dành tặng những ai mê phố núi. Tôi cải biên một chút để nói về San Francisco – thành phố của những dốc đồi trập trùng mù sương bên vịnh biển.
Mỗi khi nghĩ về chốn này, trí nhớ của tôi sẽ từ từ tua lại một buổi chiều đầu năm, trời trong và nắng đẹp. Đang lơ lửng trên mây, phi cơ bất ngờ quay đầu hơi gấp, lạng qua phía cửa vịnh và lượn lờ khu Cầu Cổng Vàng một hồi lâu. Ghé mắt qua ô cửa nhìn ra một vùng xanh lơ, tôi tự cười phớ lớ: Đức à, chào mừng mày đến với Núi Vàng Xưa(*).

Sau màn chào hỏi “dạm ngõ” nhẹ nhàng, máy bay bẻ lái dong thẳng đến sân bay ở hướng ngược lại, bay qua những xa lộ thẳng tắp và những toà nhà thấp tầng bán cổ điển. Ra khỏi sân bay, tôi lại bắt một cuốc Uber để đi ngược về khu Downtown, chăm chú ngắm nhìn những cung đường ấy lần thứ hai từ một góc độ khác.

Những ngày ở đó, tôi ngủ nhờ tại Touchstone - một khách sạn nhỏ ngay đường Geary, cách Union Square chừng 2 phút đi bộ. Không rõ khách sạn có từ bao giờ nhưng vừa bước vào đã nghe mùi xưa cũ. Chiếc máy lạnh chạy rì rì, thỉnh thoảng kêu lên như người đến cơn hen. Thang máy ọp ẹp chật hẹp, chỉ vừa chừng 4 người, thường xuyên rung lắc mỗi lần sắp dừng hay chuẩn bị mở cửa. Phòng ốc nhỏ nhắn nhưng đầy đủ, tối nằm ngủ còn được nghe tiếng gõ ở đầu giường. Cộc cộc, cộc cộc, tiếng gõ nhẹ nhàng, khoan thai, nhịp từng đôi, rải rác từ 1,2 giờ đến khi trời tờ mờ sáng. Bạn lễ tân bảo không có gì đâu, chắc Đức mệt quá ảo giác đó mà, hoặc là phòng bên có đứa say cần nên chọc chơi thôi à. Ừ, thì thế, cũng không quan trọng mấy.
Khu vực lân cận cũng mang tông màu cũ kĩ và bí hiểm y như thế. Những toà nhà gạch đỏ, vàng hay nâu liền kề trên những con phố nhỏ, đan vuông góc thành bàn cờ. Phố nào cũng giống giống nhau mà còn đan xen ngang dọc, thả bộ rất dễ lạc mà cũng chẳng sợ lạc. Kiến trúc đặc trưng tại đây là những chung cư cũ với cầu thang sắt nằm lộ ngoài mặt tiền, khi dích dắc, khi uốn cong áp sát nhà. Đôi chỗ, tôi bắt gặp những ô cửa khép hờ khuất dưới một dàn dây leo hay bông giấy. Tôi chỉ tay, nhìn xi nê ghê kìa. Bạn bảo, nhìn vậy thôi chứ mấy căn studio cũ kĩ đó đáng giá cả mấy trăm ngàn đô.

Ngay dưới những căn hộ đắt đỏ ấy, người vô gia cư đứng, nằm, ngồi lố nhố trên vỉa hè. Đi giữa những con phố đậm chất điện ảnh và lác đác người vô gia cư ấy, tôi thốt nhớ về bộ phim The Pursuit of Happiness, cũng diễn ra và ghi hình tại thành phố này. Chẳng biết trong những người mà tôi vừa đi lướt qua, ai rồi sẽ có một ngày vươn lên đổi đời như bố con nhân vật Chris Gardner (do Will Smith đóng), ai sẽ mãi cơ hàn như vậy? Khung cảnh ấy cũng gợi lên trong tôi một vài câu hỏi tưởng chừng hơi “triết”: vậy đối với những người sinh ra đã may mắn hơn người, thì hạnh phúc thực sự của cuộc đời họ sẽ là gì? Còn mình thì sao? Mình có thực sự hạnh phúc với những gì mình đang làm hay không?
Tôi tự ngắt mình ra khỏi dòng suy nghĩ miên man đó khi bất thình lình bị một gã không quen chụp tay ở góc phố. “Ê mày, cho tao vài đồng đi”. Tôi lắc đầu, “Xin lỗi nhé, tao không có tiền lẻ”. Gã cau mày làm mặt giận dữ: “f*** nd$%DƯ”. Lạ là ngay lúc đó lẫn bâygiờ, lúc ngồi nhớ lại những câu chuyện này, lòng vẫn thấy nhẹ nhàng như mây. Dường như chẳng ai có thể giận dữ, bấn loạn hoặc nóng nảy ở thành phố lạnh lùng, lãng đãng đó được.

Tôi thích San Francisco còn vì những con dốc dài hun hút, dài và dốc đến độ đứng từ đầu này không thể đoán được đầu kia của con dốc có gì. Ngồi xe hơi chạy qua những con đường khúc khuỷu lên xuống đó đúng là một trải nghiệm nên có trong đời, đi xe ngoài đường mà như đang ngồi Roller Coaster. Nhất là đoạn đường Lombard dốc đứng, đi xe hay đi bộ đều mệt và đã như nhau. Vòng quanh những con dốc chán chê, bạn chở thẳng ra khu cầu cảng dạo chơi rồi băng qua cây cầu màu cam trong… truyền thuyết, chạy đại lên một đỉnh đồi không tên, nhìn về vịnh Bridge và trung tâm thành phố chỉ thấy những đốm sáng huyền ảo.


CD player trong xe vẫn rỉ rả giọng Hà:
“Người lênh đênh suốt đời không nghỉ
Vừa mới đây mà phút giây lại đi
Lũ giông buông neo khung trời vừa xanh ru
Lũ mưa buông neo bên lối cây đường cũ…”.
Kí ức về mấy mươi tiếng đồng hồ chóng vánh ở San Francisco giờ vẫn mơ hồ như sương.
Chú thích:
(*) Vào giữa thế kỷ 19, nhiều người Trung Hoa đã nhập cư vào Hoa Kỳ và định cư tại nơi này. Họ nhập cư để tìm vàng hay để làm việc lắp đường ray xe lửa xuyên qua địa lục. Để miêu tả miền đất hứa này, họ gọi nơi này là Cựu Kim Sơn (chữ Hán: 舊金山)
Bình luận